Chân dung doanh nhân Nguyễn Tuấn Linh (Mr Linh), từ người nhặt rác hồ Ba Bể đến giám đốc lữ hành Quốc tế

Với tình yêu thiên nhiên, Nguyễn Tuấn Linh đã quyết định chọn quê vợ - Ba Bể (Bắc Kạn) là nơi lập nghiệp. Vượt qua bao gian khó, Linh đã khẳng định mình bằng những việc làm thiết thực thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển và gây dựng doanh nghiệp lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventures ngày càng lớn mạnh.

 
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Linh - Báo Đầu Tư số ra tháng 01/2019
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Linh - Báo Đầu Tư số ra tháng 01/2019

Từ người chèo thuyền, nhặt rác trên hồ Ba Bể

Ấn tượng về Nguyễn Tuấn Linh sau chuyến khảo sát hang Thẩm Phầy, do Linh và bà con bản Vàng, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn) phát hiện, đã thôi thúc tôi gặp lại anh. Trong văn phòng Công ty Mr Linh’s Adventures ở 83 - Mã Mây, Hà Nội, Linh cởi mở chia sẻ về những ngày khởi nghiệp gian truân.

Năm 2006, khi đang theo học Khoa tiếng Anh, Trường cao đẳng Cộng đồng tại Hà Nội, Linh và cô bạn cùng lớp người dân tộc Tày yêu nhau. Những năm đó, giao thông còn rất khó khăn, đi xe khách từ Hà Nội lên Ba Bể, Bắc Kạn mất đúng 1 ngày và phải qua 3 chặng trung chuyển (Hà Nội - Bắc Kạn; Bắc Kạn - Phủ Thông; Phủ Thông - Chợ Rã), rồi vẫn phải thêm một chặng xe ôm nữa mới vào được đến bản.

Cảm phục ý chí, tinh thần vượt khó của cô bạn gái, cộng với sự cuốn hút từ thiên nhiên hoang sơ, cuộc sống mộc mạc, giản dị, nhưng hiếu khách của người dân địa phương, Linh quyết định gắn bó với mảnh đất này. Năm 2010, anh chính thức trở thành rể của bản Cốc Tộc (xã Nam Mẫu, Ba Bể). Lúc đó, địa phương có chính sách khuyến khích những người có học vấn về công tác tại quê nhà. Vợ anh được nhận vào dạy tiếng Anh tại trường trung học cơ sở trên địa bàn, nhưng Linh không có chỉ tiêu vì không phải là người địa phương. Anh xin làm cộng tác viên với vườn Quốc gia Ba Bể, hướng dẫn du khách nước ngoài đến tham quan.

Thế nhưng, công việc bập bõm vì khách vắng, thu nhập chẳng đáng là bao. Không thể chỉ dựa vào đồng lương của vợ, Linh quyết định mua một chiếc xuồng máy chở khách có nhu cầu tham quan hồ. Để có giấy phép điều khiển phương tiện, anh phải khăn gói xuống tận Hải Phòng học lớp đào tạo lái xuồng du lịch. Cuối năm 2010, anh về Hà Nội học thêm kỹ năng nghiệp vụ du lịch tại Đại học Mở Hà Nội. Tuy nhiên, theo quy định, phải có bằng đại học mới đủ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn.
Linh quay trở lại Ba Bể vào đúng lúc địa phương diễn ra Lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) - một lễ hội rất lớn thu hút đông đảo người dân từ các tỉnh lân cận. Thấy rác thải người dân vứt ra quá nhiều, trôi nổi trên mặt hồ, không những gây mất vệ sinh môi trường, mà còn tạo ra hình ảnh cực kỳ phản cảm, Linh thành lập đội tình nguyện cùng bà con thu dọn rác, làm sạch môi trường. Hàng ngày, anh dùng thuyền đi gom rác trên hồ, đưa về điểm tập kết.

Một ngày nọ, khi mặt trời đã khuất sau đỉnh núi, có 3 người khách nước ngoài tìm gặp Linh. Họ hỏi lý do gì khiến anh tự nguyện dọn rác trên hồ. “Vì thấy mất vệ sinh và tôi là người yêu thiên nhiên, yêu khung cảnh hoang sơ và nhất là không khí trong lành, thấy rác thải quá nhiều nên dọn thôi”, Linh trả lời. “Thế có được trả tiền công không?”. “Không hề”. Dường như chưa tin những điều Linh nói, 3 vị khách hẹn gặp Linh ngày hôm sau tại nhà anh để hỏi thêm một số thông tin. Cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề môi trường, suy nghĩ của Linh về phát triển du lịch vùng hồ Ba Bể.

3 vị khách khuyên anh nên làm một website về du lịch, vì trước khi đến Ba Bể, họ đã cố gắng tra cứu thông tin trên mạng, nhưng hoàn toàn không có. Sau nhiều nỗ lực, trang thông tin www.babentationalpark.com.vn của Linh ra đời, là trang web đầu tiên về du lịch bằng tiếng Anh của Ba Bể, dù thông tin còn đơn điệu, song đã phần nào đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế.

Vừa lái xuồng chở khách, Linh vừa quảng bá website của mình và nhờ khách sửa giúp những bài anh viết giới thiệu về Ba Bể cho phù hợp văn phong của người nước ngoài.

Giám đốc Nguyễn Tuấn Linh đón tiếp khách du lịch để hướng dẫn tham quan
Giám đốc Nguyễn Tuấn Linh đón tiếp đối tác du lịch tại hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Berlin Đức
 
… đến ông chủ doanh nghiệp lữ hành quốc tế

Năm 2012, Linh gần như trở thành người dân địa phương thực thụ bởi sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và nhất là khả năng sử dụng tiếng Tày khá tốt.

Một hôm, anh nhận được cuộc điện thoại của khách nước ngoài gọi từ Hà Nội đặt tour tham quan hồ Ba Bể. Vị khách cho hay, biết về Linh qua Guider book Lonely Planet. Kết thúc chuyến tham quan Ba Bể 3 ngày 2 đêm, người khách đưa cho Linh một số tiền rất lớn. Linh từ chối, nói chỉ nhận đúng công sức của mình, nhưng người khách bảo “hãy nhận vì bạn xứng đáng” và đưa ra quyển sách thông tin du lịch toàn cầu Lonely Planet, trong đó có thông tin, hình ảnh về Linh. Anh chợt nhớ đến cuộc gặp gỡ tình cờ với 3 vị khách 2 năm về trước.

Cuối năm 2012, đầu năm 2013, khách du lịch trực tiếp tìm đến Linh ngày một nhiều, anh thuê người lái xuồng chở khách, còn mình lại khăn gói về Hà Nội thi đại học với quyết tâm phải có thẻ hành nghề.

Chẳng mấy khó khăn, Linh thi đỗ khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Để có tiền trang trải ăn học, Linh làm cộng tác viên hướng dẫn cho một vài công ty du lịch ở khu vực phố cổ. Anh kết nối với các công ty du lịch đưa khách về Ba Bể. Linh đảm nhận khâu ăn nghỉ, đi lại, hướng dẫn du khách.

Anh mạnh dạn hùn vốn mở chung một công ty lữ hành. Bằng kinh nghiệm và mối quan hệ của mình, Linh đưa công ty từ con số không trở thành đơn vị lữ hành khá uy tín. Thế nhưng, không ai học được chữ “ngờ”, khi một thời gian sau, anh bị chính người cộng sự gạt ra khỏi công ty.

Quyết tâm làm lại từ đầu, anh thuyết phục vợ đem tất cả vốn liếng hai vợ chồng tích cóp để thành lập công ty mới. Cuối năm 2013, nhu cầu tham quan khám phá Ba Bể của khách quốc tế ngày càng tăng, trong khi phương tiện vận chuyển còn hạn chế, anh nhanh nhạy đầu tư vào xe du lịch.

Công việc tiến triển tốt đẹp, lượng khách tìm đến công ty của Linh tăng vọt. Cũng thời gian này, trước nhu cầu lưu trú của khách tại cộng đồng để trải nghiệm văn hóa bản địa, Linh quyết định đầu tư một homestay đáp ứng các tiêu chí của du khách quốc tế.

Một cách tình cờ, Linh mua được một bãi đất nằm biệt lập với khu dân cư, nhưng địa thế rất đẹp, trên là núi, phía dưới nhìn ra hồ nước mênh mông. Hiểu rất rõ tâm lý của du khách nước ngoài, Linh không làm nhà mới, mà tìm mua nhà sàn truyền thống của người dân về dựng lên.
 
Mr Linh's Homestay
Mr Linh's Homestay
 
Ngôi nhà đang xây dựng thì một biến cố lớn xảy đến. Một tai nạn thương tâm đã cướp đi người bạn đời của Linh. Cú sốc tinh thần khiến anh hoàn toàn suy sụp. Vào lúc đó, một vị khách là nữ giáo viên người Anh mới nghỉ hưu đến tham quan hồ Ba Bể và tìm đến Linh. Biết hoàn cảnh của Linh, bà rất thông cảm và chia sẻ. Bà ngỏ ý sẵn sàng cho anh vay một khoản tiền để hoàn thành homestay đang dang dở. Số tiền 18.000 USD được “rót” đúng vào thời điểm Linh khó khăn nhất đã vực anh dậy tiếp tục triển khai các hoạt động lữ hành, lưu trú. Điều ý nghĩa hơn, là bà khách nhận anh làm con nuôi và chính sự động viên tinh thần kịp thời của bà đã tạo động lực mạnh mẽ giúp Linh vượt qua nỗi đau, tiếp tục sự nghiệp phía trước…

Giai đoạn 2014 đến nay là thời kỳ hưng thịnh của Mr Linh’s Adventures. Doanh nghiệp phát triển mạnh cả về 3 mảng: lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Đội ngũ nhân viên từ chỗ chỉ có 4 người, tăng lên trên 20 người, đội xe được đầu tư thêm nhiều xe từ 4-16 chỗ chất lượng cao. Năm 2017, Mr Linh’s Adventures đã đón 7.500 lượt khách từ nhiều thị trường khác nhau trên thế giới đến Việt Nam du lịch.

Cũng trong năm 2017, Nguyễn Tuấn Linh mở tuyến bus Hà Nội - Ba Bể - Hà Nội hàng ngày, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách lẻ muốn lên khám phá trải nghiệm Ba Bể.

Trò chuyện với Nguyễn Tuấn Linh:

Anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc ý nghĩa tên doanh nghiệp Mr Linh’s Adventures?
Tên gọi này do mẹ nuôi tôi tư vấn. Mr có thể gọi là quý ông, vừa trang trọng, vừa nghiêm túc. Tên gọi này có thể tạo dấu ấn thương hiệu doanh nghiệp.

Sản phẩm du lịch Mr Linh’s Adventures cung cấp tới du khách có gì khác biệt?
Với phương châm “We take you to the parts, others can’t reach” (chúng tôi sẽ đưa bạn đến những vùng miền mà người khác chưa từng đặt chân), Mr Linh’s Adventures luôn cố gắng tìm kiếm những cung đường mới, những điểm đến mới để thiết kế những tour độc đáo và mang nhiều tính trải nghiệm văn hóa dành cho du khách. Du khách đến với chúng tôi có nhiều sự lựa chọn khác nhau như trekking - leo núi xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh, khám phá văn hóa, ẩm thực bản địa…

Kế hoạch khai thác hang Thẩm Phầy triển khai đến đâu rồi?
Sau một số chuyến khảo sát, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, cùng lãnh đạo địa phương đã thống nhất các bước tiếp theo là mời các chuyên gia hang động đánh giá địa chất, địa mạo, cũng như tiến hành khảo sát sâu hơn để có đánh giá cụ thể, nhằm đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất. Tôi đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, tuy nhiên vấn đề này còn phải chờ. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phát triển các sản phẩm du lịch, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho du lịch Bắc Kạn nói chung, Ba Bể nói riêng.

Các bài viết khác

Cảm nhận

Các trường bắt buộc (*)