Khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam - hồ Ba Bể

Nhân ngày môi trường thế giới 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trao quyết định của UNESCO công nhận Ba Bể là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Trước đó, Tổng thư ký Công ước Ramsar Anad Tiega đã ký công nhận hồ Ba Bể là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới. Sự kiện này đưa hồ Ba Bể (Bắc Kạn) trở thành khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam sau Xuân Thủy (Nam Định) và Bàu Sấu (Đồng Nai).
Khu Ramsar Quốc gia Ba Bể có hồ rộng khoảng 500ha trên độ cao 178 m so với mặt biển. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam.

Hồ Ba Bể nằm trong quần thể vườn Quốc gia Ba Bể với 21 điểm du lịch, danh thắng đặc sắc như động Puông, động Nà Phoòng, động Thẳm Kít. Đây là nơi có các quần thể của một số loài động vật quan trọng trong việc duy trì tính đa dạng sinh học và là nơi duy nhất ở Việt Nam ghi nhận một loài linh trưởng có vùng phân là bố hẹp là Voọc đen má trắng.
 


Hồ Ba Bể còn là khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới và là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Ngày 20/9/1988, Văn phòng Công ước Ramsar đã công nhận Xuân Thuỷ (Nam Định) là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia vào Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar - văn kiện được các nước tham gia ký tại thành phố Ramsar, Iran ngày 2/2/1971). Gần 20 năm sau, Bàu Sấu nằm trong vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai được công nhận là Khu Ramsar thứ 2 vào ngày 4/8/2005.
 

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết, trong thời gian tới, cơ quan thẩm quyền Ramsar tại Việt Nam sẽ tiếp tục đề cử Tràm Chim thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.

Các bài viết khác

Cảm nhận

Các trường bắt buộc (*)