Rừng Quốc gia Ba Bể quan trọng đến mức nào? Tại sao lại phải bảo vệ?

Bắc Kạn có hơn 160.000 ha rừng tự nhiên tập trung ở một vườn Quốc gia, hai khu bảo tồn thiên nhiên và gần 290.000 ha rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 72%, cao nhất cả nước. Ðây là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá đang được địa phương nỗ lực bảo tồn gắn với phát triển kinh tế.
Quyết liệt giữ rừng

Chúng tôi theo chân cán bộ kiểm lâm vườn Quốc gia Ba Bể đi tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật hoang dã. Cán bộ kiểm lâm đến từng nhà, hướng dẫn bằng hình ảnh dễ hiểu, sinh động in trên quạt giấy, tờ rơi… kết hợp nắm thông tin ở thôn, bản. Ðáng chú ý, việc giao khoán rừng được ghi nhận là giải pháp rất hiệu quả, huy động sức dân tham gia giữ rừng. Trưởng thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh (Ba Bể) Hà Văn Trung cho biết, thôn có 84 hộ với 326 nhân khẩu đều tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Trong đó, thôn nhận khoán 134 ha, chi hội phụ nữ và cựu chiến binh nhận khoán 50 ha với tổng mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/ha/năm. Các tổ vận động người dân giao nộp súng săn; phối hợp với kiểm lâm tuần rừng, nhờ đó, trong thôn không còn hộ phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, không để xảy ra phá rừng trái phép.
 

Vườn Quốc gia Ba Bể đã giao khoán toàn bộ diện tích cho 41 thôn, bản quản lý, bảo vệ, trung bình mỗi thôn nhận khoán từ 50 đến 70 ha, tuần rừng từ ba đến bốn lần/tuần. Mỗi năm, lực lượng kiểm lâm thực hiện bốn đợt truy quét cao điểm những khu vực có nguy cơ phá rừng cao. 5 năm qua, tỷ lệ phá rừng giảm dần, năm 2019 chỉ còn 16 vụ (chủ yếu là khai thác cây đã bị chặt hạ từ lâu), giảm 12 vụ so với năm 2018. Rừng xanh được giữ, nhiều loài động vật quý hiếm nay đã trở về. Vừa qua, Vườn phát hiện loài Vạc hoa xuất hiện sau hơn 25 năm, là điều rất giá trị vì loài này chỉ phân bố trong các vùng địa sinh học Á nhiệt đới Trung Quốc - Hi-ma-lay-a và rừng ẩm nhiệt đới Ðông Dương trong khi số lượng cá thể trên thế giới không còn nhiều. Trong vùng lõi, số đàn Voọc đen má trắng tăng lên. Quyền Giám đốc vườn Quốc gia Ba Bể Phạm Văn Chí cho biết, vùng đệm, vùng lõi của Vườn có 45 thôn, bản với hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng nhờ giao khoán rừng, kết hợp tạo sinh kế cho nên không xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng như trước. Nhờ bảo vệ tốt, Vườn được công nhận là Vườn di sản Asean và Khu đất ngập nước (RAMSAR) của thế giới.


Nhiều loài thực vật quý hiếm, tưởng như đã tuyệt chủng được phát hiện và nỗ lực bảo tồn. Cây Du sam đá vôi (còn gọi là Thông đá) chỉ phát hiện ở Ma-lai-xi-a, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, loài cây này phân bố ở Hạ Lang (Cao Bằng) và Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), nhưng với số lượng cá thể rất hạn chế, phân tán. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chỉ còn 14 cây. Ban quản lý Khu bảo tồn đã lập phương án bảo vệ, phối hợp với Trường đại học Lâm nghiệp trồng một nghìn cây con ươm bằng hạt kiên trì thu nhặt được từ những cây còn sót lại. Tại TP Bắc Kạn, diện tích khu rừng Nà Noọc không lớn nhưng hiện còn hơn 500 cây nghiến, trai cổ thụ, nằm cách trung tâm thành phố chỉ gần 10 km. Bắc Kạn thành lập Khu cảnh quan Thác Giềng, đánh số thứ tự từng cây, giao lực lượng kiểm lâm cùng các tổ tuần rừng của thành phố và xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới tham gia bảo vệ an toàn.
 
Diện tích rừng phòng hộ cũng được Bắc Kạn bảo vệ tốt. Trưởng thôn Bản Chàng, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) Hoàng Văn Sáng cho biết, thôn chia ba tổ quản lý với 70 thành viên bảo vệ hơn 157 ha rừng; đôn đốc, phân công, chấm công, nắm bắt kết quả tuần rừng cho nên không còn tình trạng phá hay cháy rừng. Huyện Chợ Mới đã cho chín xã giao khoán bảo vệ hiệu quả hơn 7.000 ha rừng phòng hộ với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/năm.
Ðến nay, Bắc Kạn có năm hệ sinh thái, gồm: Rừng tự nhiên trên núi đá, núi đất; rừng trồng; đất nông nghiệp; khu dân cư và đất ngập nước. Hệ thực vật có 1.972 loài trong đó có 144 loài quý hiếm có nguy cơ đe dọa; hệ động vật có 84 loài thú, 314 loài chim, 69 loài lưỡng cư và bò sát, 1.091 loài côn trùng, năm bộ động vật nổi, ba bộ động vật đáy và 108 loài cá, trong đó có 59 loài quý hiếm cần được bảo vệ.
 
 

Bắc Kạn phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 giải quyết sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm khu bảo tồn; bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững các loài đặc hữu, quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Tỉnh triển khai 23 dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học để điều tra, đánh giá, bảo tồn đa dạng sinh học. Công an tỉnh vận động người dân giao nộp hơn 11.500 khẩu súng săn; ngành chức năng xử lý 21 vụ sử dụng súng săn trái phép, xử phạt 23 đối tượng với số tiền hơn 72 triệu đồng; tiêu hủy hàng chục nghìn khẩu súng tự chế; truy tố hàng chục đối tượng phá rừng trái phép.
Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, bên cạnh tuyên truyền, vận động, tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm những hành vi phá rừng, săn bắn trái phép. Tỉnh triển khai đồng bộ Quyết định số 24/2012/QÐ-TTg ngày 1-6-2012 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Từ năm 2015 đến nay, đã đầu tư gần 20 tỷ đồng hỗ trợ 87 thôn, bản với hơn 4.400 hộ hưởng lợi. Qua đó, giúp xây hơn 31 nhà họp thôn, hơn 45 km đường giao thông nông thôn, cấp hơn 47 nghìn con gà giống, lợn giống, hàng nghìn kg lúa giống, ngô giống…, giúp người dân ổn định sinh kế, giảm xâm hại rừng.

Gắn với phát triển kinh tế

Nhiều loài thực vật quý, bản địa được Bắc Kạn bảo tồn gắn với phát triển kinh tế. Trước đây, cây bò khai (còn gọi là rau dạ hiến) mọc hoang trong rừng, bị khai thác tận diệt cho nên suy giảm mạnh về số lượng. Bắc Kạn chỉ đạo trồng, nhân rộng diện tích loại cây này, vừa bảo tồn vừa giúp người dân có sinh kế. Bà Phùng Thị Thom, thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh (Ba Bể) cho biết, được kiểm lâm cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình trồng 300 cây, thu hái ngọn bán trong khu du lịch Ba Bể, thu nhập hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Rau bò khai trở thành sản phẩm OCOP có tiếng của Bắc Kạn. Tại huyện Ba Bể, Hợp tác xã Sang Hà có 27 thành viên và 60 hộ liên kết, canh tác hơn 12 ha theo quy trình hàng hóa, đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao, mỗi năm xuất bán 25 tấn, tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.
 

Tại huyện Chợ Ðồn, cây trà hoa vàng trước đây vốn bị đào cả gốc đem bán nay được Hợp tác xã Hòa Thịnh chuyên canh khoảng 1,5 ha, giá bán hoa trà 10 triệu đồng/kg, cho thu nhập cao. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía bắc, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên đang nghiên cứu đặc điểm sinh học và kỹ thuật gây, nhân rộng loại cây này theo hướng sản xuất hàng hóa. Hồng không hạt là loại cây ăn quả quý của Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý; trồng 400 cây/ha, thu được vài trăm triệu đồng/vụ. Trước nguy cơ thoái hóa loài cây bản địa này, Bắc Kạn tuyển chọn 44 cây đầu dòng, hằng năm cung cấp khoảng 20.000 cây giống, giúp người dân trồng mới 555 ha, nâng tổng diện tích lên 827 ha; sản phẩm bắt đầu được ký kết bao tiêu tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Giai đoạn 2016-2020, Bắc Kạn đầu tư hơn 120 tỷ đồng để mở rộng sản xuất các sản phẩm từ nguồn gien bản địa có giá trị kinh tế, như: Bí xanh thơm, gạo Bao thai, gạo nếp Khẩu nua lếch, dong riềng, nghệ, dược liệu… Năm 2019, có chín nông sản của tỉnh đã được ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống 17 siêu thị ở khu vực phía bắc. Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bắc Kạn Sầm Văn Bình cho biết, chúng tôi đã điều tra, thu thập được 24 loài lan rừng quý hiếm; nhân giống bằng phương pháp tách thân 14 loài, bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào được 5.300 cây của sáu loài. Mục tiêu trong thời gian tới sẽ là phát triển thương mại các giống này theo phương pháp nuôi cấy mô.
 

Những diện tích rừng sản xuất trước đây suy giảm đa dạng sinh học do phát nương, làm rẫy nay cũng được bảo vệ, phát huy. Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm, Bắc Kạn trồng mới hơn 8.000 ha rừng, gồm các loại cây, như: Keo, mỡ, thông, lát… Rừng xanh trở lại, đa dạng sinh học được bảo vệ mà thu nhập của người dân cao hơn hẳn, mỗi ha rừng keo, sau tám năm cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Mỗi năm, khai thác rừng trồng khoảng 144.000 m3 gỗ thu về giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, để làm giàu rừng, giải pháp ưu tiên sẽ là trồng mới trên trảng cỏ không có tái sinh bằng cây bản địa ở vùng phục hồi sinh thái; bổ sung, nâng cao số lượng cây có giá trị kinh tế bằng tái sinh nhân tạo hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên; quy tụ, lưu trữ, bảo tồn, phát huy nguồn gien thực vật và các thảm thực vật hiện có.
 

Du lịch sinh thái ở Bắc Kạn cũng có tín hiệu đáng mừng. Quyền Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch Ba Bể Hoàng Ngọc Thấm cho biết, hằng năm, khu du lịch Ba Bể thu hút được hơn 61 nghìn lượt khách, trong đó, khách quốc tế khoảng gần tám nghìn lượt. Người dân một số thôn, bản ven hồ Ba Bể, như: Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù… bỏ phá rừng chuyển sang làm du lịch homestay, cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư tại các khu du lịch sinh thái ở Bắc Kạn, như: Tập đoàn FLC nghiên cứu đầu tư khu du lịch sinh thái Quảng Khê; Công ty TNHH Phiêu lưu cùng Mr.Linh xin đầu tư xây dựng tua, tuyến du lịch hang nước tự nhiên Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể)… Sắp tới, dự án đường từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể khởi công, hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Ba Bể và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
 

Với tỷ lệ che phủ rừng hơn 72%, đa dạng sinh học ở Bắc Kạn thuộc hàng phong phú nhất cả nước, được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, đời sống người dân ở những khu bảo tồn vẫn còn khó khăn; mức giao khoán bảo vệ rừng còn thấp; rừng trồng vẫn chủ yếu là rừng gỗ nhỏ. So với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước, việc phát triển du lịch sinh thái ở Bắc Kạn vẫn đang ở dạng tiềm năng…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Thị Minh Hoa cho biết, thời gian tới, tỉnh thành lập mới một vườn ươm, hai vườn thực vật, hai trung tâm bảo tồn động thực vật, một trạm cứu hộ động vật và một bảo tàng thiên nhiên. Ðể phát huy tiềm năng đa dạng sinh học, tỉnh vừa phê duyệt đề án tái cơ cấu nông lâm nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó sẽ tập trung bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng ngành hàng có thế mạnh về dược liệu, sản phẩm OCOP. Tỉnh phấn đấu trong tháng 6-2020 sẽ ban hành kế hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với nông lâm nghiệp để tạo sinh kế bền vững, thu nhập cao cho người dân.

Nguồn: nhandan.com.vn

Các bài viết khác

Cảm nhận

Các trường bắt buộc (*)